Đi chùa đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt Nam mỗi vào mỗi dịp đầu xuân năm mới. Đây không chỉ là nét văn hóa đẹp của người Việt mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với mong muốn nguyện cầu một năm mới an lành, may mắn, thành công. Dưới đây là những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà bạn không nên bỏ qua khi đi chùa đầu năm cầu an, cầu chuyên, cầu tài lộc.
Ý nghĩa của việc đi chùa đầu năm
Theo quan niệm dân gian, đầu năm là thời điểm quan trọng nhất trong một năm, là lúc trời đất giao hòa, vạn vật khởi đầu. Do đó, việc đi chùa đầu năm được coi là một cách để con người gửi gắm những ước vọng, niềm tin với trời đất, Đức Phật, thần linh. Bằng cách sửa soạn những lễ vật, lòng thành nhất tâm hướng về cửa Phật, cầu mong sự phù hộ độ trì của các đấng bề trên để cầu cho bản thân và gia đình được mạnh khỏe, bình an, cầu tài lộc, tình duyên.
Ở Việt Nam có rất nhiều ngôi chùa linh thiêng, cổ kính. Đầu năm đi chùa nào, cầu gì là thì dưới đây sẽ là gợi ý cho bạn dựa trên mục đích cầu an, cầu tài lộc, hay cầu duyên.
Đi lễ chùa cầu bình an
Chùa Hương
- Địa chỉ: Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Chùa Hương là tên gọi vắn tắt của quần thể lớn gồm nhiều ngôi chùa trên núi Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở đây, nằm ở động Hương Tích.
Về lễ hội Chùa Hương thường tổ chức từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch và kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất ở khu vực Miền Bắc, quy tụ 3 tôn giáo chính là Phật Giáo, Nho Giáo, và Đạo Giáo, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương về đây cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Chùa Bái Đính - Ninh Bình
- Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình
Nằm trong quần thể du lịch sinh thái Bái Đính - Tràng An, chùa Bái Đính cách trung tâm thành phố 15km, nơi đây luôn là điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến.
Bạn có biết, chùa Bái Đính là ngôi chùa được ghi nhận nhiều kỷ lục nhất Việt Nam? Phải kể đến đó là:
- Ngôi chùa có pho tượng Phật bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam
- Ngôi chùa có đại hồng chung lớn nhất Việt Nam
- Hành lang La Hán dài nhất Châu Á
- Có Bảo Tháp cao nhất Đông Nam Á…
Chùa Tam Chúc - Hà Nam
- Địa chỉ: Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Chùa Tam Chúc thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có quy mô lớn nhất Việt Nam được ví như “Vịnh Hạ Long” trên cạn. Quần thể chùa Tam Chúc là điểm du lịch tâm linh độc đáo thu hút sự quan tâm của nhiều du khách đến chiêm bái, đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới.
Chùa Yên Tử - Quảng Ninh
- Địa chỉ: Thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh được biết đến là tỉnh có nhiều ngôi chùa linh thiêng, trong đó phải kể đến chùa Yên Tử - “cái nôi của Phật giáo”.
Chùa Yên Tử nổi tiếng là ngôi chùa bằng đồng nằm ở độ cao nhất Việt Nam - hơn 1000m so với mực nước biển. Chùa sở hữu kiến trúc đậm chất Phật Giáo với những chi tiết đặc trưng như cổng tam quan hai tầng mái, mái chùa được lợp bởi các tấm ngói vảy uốn cong hình đầu dao. Từng chi tiết trong ngôi chùa đều được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo khá sinh động mà vẫn rất uy nghiêm.
Lễ hội chùa Yên Tử được tổ chức hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 m Lịch, với phần nghi lễ long trọng và cuộc hành hương của các Phật tử từ chân núi lên Chùa Đồng. Đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng cầu may đầu năm.
Chùa Ba Vàng
- Địa chỉ: Phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
Đầu năm đi lễ chùa cầu an tại chùa Ba Vàng được nhiều Phật tử và du khách lựa chọn. Hàng năm nhà chùa thường tổ chức lễ hội Khai xuân đầu năm vào mùng 8 tháng Giêng, cầu cho “quốc thái dân an - hòa bình thế giới - chúng sinh hạnh phúc”. Vào ngày này Phật tử và du khách thập phương sẽ đến chiêm bái lễ Phật, trải nghiệm những bài học thiện lành qua lời Phật dạy.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự - Hà Nam
- Địa chỉ: Thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Chùa Địa Tạng Phi Lai có tên Nôm là chùa Đùng, thuộc thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất ở miền Bắc. Chùa được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 10 với 120 gian chùa cổ, là nơi nhiều vua chúa từng ghé thăm.
Chùa Một Cột
- Địa chỉ: Quần thể Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác, quận Ba Đình, Hà Nội
Chùa Một Cột từ lâu đã là công trình mang tính biểu tượng của Hà Nội. Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông, có nhiều tên gọi khác nhau như Diên Hữu Tự, Liên Hoa Đài.
Mặc dù chùa đã trải qua nhiều lần cải tạo, tu sửa do chiến tranh, nhưng cho đến nay, Chùa Một Cột vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc, linh thiêng của kinh thành Thăng Long xưa.
Đây cũng là địa điểm được nhiều người dân lựa chọn đi lễ chùa đầu năm cầu may, cầu bình an.
Chùa Bộc
- Địa chỉ: Tọa lạc tại số 14 phố Chùa Bộc, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội
Nhiều người lựa chọn đây là điểm đến trong chuyến hành hương đầu năm đi lễ chùa cầu an. Không chỉ dâng hương lễ Phật, mà còn thấy sự an lạc trong tâm hồn, cũng như hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa nơi đây. Ngoài ra, Chùa Bộc còn là địa điểm dâng hương cho lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào mùng 5 Tết Âm Lịch hàng năm.
Chùa Phúc Khánh
- Địa chỉ: 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội
Đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ lâu đời ở Hà Nội. Trước đây chùa Phúc Khánh chỉ là một ngôi chùa làng, là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Từ khi một vị cao tăng có tiếng là Thượng tọa Thích Thanh Quyết về đây trụ trì, ngôi chùa đã thu hút nhiều người Phật tử từ các nơi về chiêm bái với các khóa lễ Phật cầu an, cầu con, dâng sao giải hạn vào ngày 14 tháng Giêng. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến đây để cầu duyên lành.
Chùa Trấn Quốc
- Địa chỉ: 46 đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Trấn Quốc được ví như “viên ngọc” giữa Hồ Tây - Hà Nội, bởi sự linh thiêng và kiến trúc độc đáo của Phật Giáo. Có tuổi đời hơn 1500 năm, tọa lạc trên hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, chùa Trấn Quốc từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long thời Lý - Trần.
Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, nhiều người dân Hà Nội tìm đến chùa Trấn Quốc để cầu bình an cho gia đình, bản thân. Ngay từ đêm giao thừa cho đến mùng 4 Tết chùa đã mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm bái và tham quan.
Top 3 ngôi chùa cầu tài lộc - cầu may linh thiêng
Đền Bà Chúa Kho - Bắc Ninh
- Địa chỉ: Khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành Phố Bắc Ninh
Những ai trong giới kinh doanh, buôn bán có lẽ không thể không biết đến Đền Bà Chúa Kho nổi tiếng linh thiêng, thành tâm cầu xin ắt được như ý. Đây là ngôi đền nằm ở lưng chừng núi Kho, tại khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng, nơi đây tổ chức nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian. Nếu đến đây lễ chùa đầu năm cầu tài lộc, may mắn bạn đừng bỏ qua nhé!
Đền Trần - Nam Định
- Địa chỉ: Đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định
Đền Trần Nam Định là ngôi đền linh thiêng mang đậm dấu ấn nhà Trần. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về tham dự, tri ân công đức của 14 vị vua nhà Trần và cầu mong tài lộc, may mắn.
Lễ hội khai ấn đền Trần được tổ chức từ tối ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ban quản lý đền sẽ tổ chức nghi lễ rước hòm mang ấn từ nội cung đền Cố Trạch đến đền Thiên Trường, sau đó lễ khai ấn được diễn ra, ai muốn xin lá ấn sẽ vào đền thắp hương, cầu khấn cho năm mới vạn sự như ý, tài lộc, thành công.
Phủ Tây Hồ - Hà Nội
- Địa chỉ: Số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
Đến Phủ Tây Hồ cầu tài lộc bên cạnh sự thành tâm kính lễ, bạn cần làm đúng theo quy trình: Trước tiên là hành lễ ở phủ chính, sau đó sang Điện Sơn Trang - nơi được các chủ kinh doanh, buôn bán xin lộc đồng ngân đồng xuyến, cầu trí tuệ anh thông. Cuối cùng ra bên ngoài phủ chính làm lễ tại lầu cô, lầu cậu.
Đi chùa cầu duyên
Với những bạn trẻ còn độc thân, đi chùa đầu năm không chỉ cầu bình an, sức khỏe, bình an, mà còn cầu tình duyên, hạnh phúc. Những ngôi chùa dưới đây là điểm đến lý tưởng để bạn đi tìm chữ “duyên” cho mình.
Chùa Hà
- Địa chỉ: Ngõ 86 Phố Chùa Hà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Nhắc đến đi chùa cầu duyên mọi người sẽ nghĩ ngay đến Chùa Hà. Đây là ngôi chùa nhỏ thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, rất linh thiêng cầu gì được nấy đặc biệt về tình duyên. Bởi vậy mà có câu “Chùa Hà khi đi lẻ bóng khi về có đôi” có ý chỉ khi đến cầu tình duyên ở đây chắc hẳn ứng nhiệm
Mỗi năm chùa Hà cùng đình Bối Hà thường tổ chức các lễ hội vào ngày 11/1. 12/2 và 12/8 âm lịch với nhiều hoạt động như cờ người, hát cửa đình, kéo co, múa lân….
Chùa Láng
- Địa chỉ: 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
Chùa Láng có 100 gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, với 2 hành lang dài nối liền nhà tiền đường và hậu đường tạo thành khung chữ nhật. Trải qua bao nhiêu năm, ngôi chùa 900 tuổi vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, trầm mặc.
Chùa Láng rất ấn tượng và linh thiêng, là vùng đất “tiền Phật, hậu Thánh”, nơi nơi cầu bình an, cầu tình duyên của nhiều bạn trẻ Hà Thành. Những đôi nam nữ thường đến đây đầu năm mới, cầu xin tình duyên suôn sẻ, hạnh phúc viên mãn, hay những bạn độc thân sẽ mau tìm được nửa kết đôi tâm đầu ý hợp.
Am Mỵ Nương - Đền Cổ Loa
- Địa chỉ: Xã Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội
Am Mỵ Châu hay còn gọi là Am Bà Chúa là nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái của vua An Dương Vương. Am nằm trong khuôn viên của Đền Cổ Loa, phía tây đình Ngự Triều Di Quy.
Kiến trúc Am thờ gồm có 2 tòa tiền tế và hậu cung, bố cục theo chữ Đinh, cách nhau 1 khoảng sân nhỏ. Trong hậu cung thờ một bức tượng người không đầu, ngồi xếp bằng, hai tay đặt song song đặt lên đầu gối.
Cũng bởi chuyện tình đẫm nước mắt giữa Mỵ Châu - Trọng Thủy nên dân gian tin rằng nơi đây sẽ rất ứng nghiệm với những lời cầu khấn về tình duyên. Cứ thế mà mọi người đổ nhau về đây mỗi dịp đầu xuân để mong tìm kiếm hạnh phúc, những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.
Chùa Quán Sứ
- Địa chỉ: 83A Lý Thường Kiệt, Phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chùa Quán Sứ tọa lạc ở trung tâm Hà Nội, được xây dựng vào thế kỷ 15. Chùa Quán Sứ còn biết đến là ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất Hà Nội, giữ được sự tôn nghiêm của Phật Giáo. Hơn nữa đây đã từng là trung ương của Tổng hội Phật giáo Bắc kỳ năm 1934.
Vào các ngày mùng 1 và ngày Rằm hay những dịp Lễ, Tết, nhiều Phật tử và du khách đều nhất tâm hướng về chùa hành lễ, mong cầu sức khỏe, bình an. Đồng thời, nhà chùa cũng thường tổ chức nhiều hoạt động như Lễ Quy Y, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan….
Chùa Duyên Ninh - Ninh Bình
- Địa chỉ: Tràng An, Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Là ngôi chùa cầu duyên bậc nhất tại Việt Nam, chùa Duyên Ninh nằm nép mình trong quần thể khu di tích Cố Đô Hoa Lư. Ngôi chùa khá nhỏ nhắn, nằm sát sườn núi đá vôi, được bao bọc bởi những tán cây xanh mát.
Tương truyền rằng, chùa Yên Ninh là nơi các công chúa thời Đinh - Lê thường ghé đến. Cũng nơi đây, công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng công Lý Công Uẩn đã thề hẹn ở đó và sinh ra vua Lý Thái Tông năm 1000. Sau này vua Lý Thái Tông về đây dẹp loạn Khai Quốc Vương đã đổi tên chùa thành chùa Duyên Ninh. Hoàng hậu Phất Ngân đến cuối đời đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ, và tại đây bà đã tác hợp cho nhiều đôi lứa thành đôi.
Bởi vậy chùa Duyên Ninh đã trở thành ngôi chùa cầu duyên thu hút rất đông người dân địa phương và khách thập phương tới. Chùa không chỉ thờ Phật, các vị thiền sư, mà còn thờ cả Ông Tơ - Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu. Với những ai có đường tình duyên trắc trở, đến với chùa Duyên Ninh chắc chắn sẽ tìm được hạnh phúc, người yêu thương mình.
Không chỉ vậy, chùa Duyên Ninh còn là nơi mà nhiều người có vấn đề về con cái, sinh nở lui tới để cầu nguyện.
Như vậy, đi chùa đầu năm là nét văn hóa đẹp, không còn chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là cơ hội để mọi người tịnh tâm, tìm về với sự an yên, thanh bình, cân bằng lại cuộc sống. Hi vọng với những gợi ý về những địa điểm đi lễ chùa đầu năm đã giúp bạn lựa chọn được điểm hành hương lý tưởng khởi đầu năm mới đầy may mắn, tốt đẹp hơn.